Vòng đời sinh trưởng của kiến

Vòng đời sinh trưởng của kiến trải qua bốn giai đoạn khác nhau. Bắt đầu từ trứng, kiến phát triển thông qua quá trình biến thái hoàn toàn với 4 giai đoạn ấu trùng sau đó hình thành nhộng và biến thái thành kiến trưởng thành. Giai đoạn sinh trưởng của kiến thường từ vài tuần đến vài tháng, phụ thuộc vào từng loài kiến và điều kiện môi trường.

Trứng

Kiến cái sau khi giao phối thành công với con đực sẽ thành kiến chúa và bắt đầu đẻ trứng. Kiến chúa đã được thụ thai tìm một nơi thích hợp để xây dựng tổ kiến và bắt đầu đẻ trứng. Trứng kiến rất nhỏ, đường kính khoảng 0.5 mm. Trứng kiến màu trắng, có hình bầu dục và trong suốt.

Ấu trùng

Sau 1-2 tuần nằm trong trứng, một ấu trùng hình giòi nở ra. Chúng có hình quả lê hoặc quả bầu, không có chân và màu trắng nhạt. Phần đầu và khoang miệng nằm ở phần đầu mút hẹp của cơ thể. Phần lớn ấu trùng nằm bất động và được chăm sóc nuôi dưỡng bởi kiến trưởng thành.

Giai đoạn này chúng phàm ăn mãnh liệt, do đó các con kiến trưởng thành dành phần lớn thời gian của chúng để nuôi dưỡng ấu trùng bằng cách tiêu hóa thức ăn. Quá trình nuôi dưỡng diễn ra bằng cách chuyển thức ăn hoặc các chất lỏng khác cho ấu trùng từ miệng qua miệng (stomodeal) hoặc từ hậu môn qua miệng (proctodeal). Đây cũng là cách các con trưởng thành chia sẻ thức ăn, dự trữ trong “bao tử xã hội”.

Ấu trùng phát triển qua 4 hoặc 5 lần lột xác, sau đó tiến vào giai đoạn nhộng.

Nhộng

Sau khi ấu trùng đã rụng lông và lột xác, chúng hình thành nhộng. Nhộng nhìn bề ngoài có vẻ giống kiến trưởng thành nhưng không có chân còn râu của chúng cuộn lại và được giấu trong cơ thể. Tuy nhiên, nhộng có các phần phụ linh hoạt và không dính chặt với cơ thể giống như nhộng bướm. Nhộng có phần giống với kiến trưởng thành, nhưng cơ thể chúng mềm, màu trắng và không di chuyển hoặc ăn uống gì.

Ở vài loài, một số nhộng sẽ trần trụi trong khi phần còn lại sẽ nằm trong kén tơ hình thành bởi lớp cuticle từ giai đoạn ấu trùng cuối cùng. Nhộng, đặc biệt là những con nằm trong kén, thường được gọi là trứng kiến. Khi tổ kiến nằm trong đất hoặc dưới tảng đá, tấm ván bị khuấy động, chúng ta có thể thấy kiến thợ chạy nhốn nháo và mang theo các con nhộng này.

Nhưng kiểm tra kĩ hơn chúng ta cũng thấy chúng còn mang theo cả những ấu trùng nhỏ hơn và trứng siêu nhỏ, để tránh khỏi những mối nguy hiểm bất ngờ. Trứng và ấu trùng nhỏ thường dính với nhau và được kiến đưa đi thành từng nhóm riêng lẻ.

Kiến trưởng thành

Khi đã hoàn thành giai đoạn nhộng, kiến trưởng thành chui ra. Khi mới nở, chúng đã phát triển hoàn toàn nhưng có màu đậm hơn. Kiến trưởng thành phân hóa thành 3 tầng lớp khác nhau trong tổ; kiến chúa, kiến thợ và kiến đực. Kiến chúa là cá thể lớn nhất so với phần còn lại và làm nhiệm vụ sinh sản trong tổ.

Kiến thợ là những con cái không có chức năng sinh sản, chúng có trách nhiệm tìm kiếm thức ăn, nuôi dưỡng ấu trùng, dọn dẹp và giữ sạch tổ. Kiến thợ không có cánh, và như tên gọi chúng làm việc cần mẫn như một công nhân để tìm kiếm thức ăn và bảo vệ tổ khỏi những kẻ xâm phạm. Các con kiến đực thì có cánh, nhưng nhiệm vụ duy nhất của chúng trong tổ là giao phối với kiến chúa.